Kết quả phân tích được xuất bản trên tạp chí Tim mạch Phòng ngừa châu Âu cho thấy nguy cơ mắc bệnh tim mạch giảm nhiều nhất khi uống từ 2 đến 3 cốc cà phê mỗi ngày.
So với việc không uống cà phê, thói quen trên giúp giảm khả năng tử vong lần lượt 14%, 27% và 11% trong thời gian 12,5 năm của nghiên cứu đối với các chế phẩm đã khử caffeine, xay và hòa tan.
Giáo sư Peter Kistler, Viện Nghiên cứu Đái tháo đường và Tim Baker (Australia), thông tin: "Trong khảo sát quy mô lớn trên, cà phê hòa tan và cà phê không chứa caffeine có tác dụng tương đương trong việc giảm tỷ lệ mắc bệnh tim mạch và tử vong do bệnh tim mạch hoặc bất kỳ nguyên nhân nào”.
"Kết quả ghi nhận, uống cà phê xay, hòa tan và loại không chứa caffeine từ nhẹ đến vừa phải nên được coi là một phần của lối sống lành mạnh". Theo Sky, nghiên cứu đã xem xét mối liên hệ giữa các loại cà phê khác nhau và nhịp tim, bệnh tim mạch và tử vong bằng cách sử dụng dữ liệu từ Biobank của Vương quốc Anh - nơi thu thập thông tin của những người từ 40 đến 69 tuổi.
Bệnh tim mạch bao gồm bệnh tim mạch vành, suy tim sung huyết và thiếu máu cục bộ.
Giáo sư Kistler giải thích: “Caffeine là thành phần được biết đến nhiều nhất trong cà phê. Nhưng trong loại đồ uống này còn chứa hơn 100 thành phần hoạt tính sinh học”.
"Có khả năng các hợp chất không chứa caffeine tạo nên mối liên hệ tích cực giữa việc uống cà phê, bệnh tim mạch và khả năng sống. Phát hiện của chúng tôi chỉ ra uống một lượng nhỏ cà phê thuộc tất cả các loại tốt cho tim mạch”.
Gần 450.000 người đã hoàn thành bảng câu hỏi về thói quen uống cà phê (uống bao nhiêu tách cà phê mỗi ngày và thường uống cà phê xay, hòa tan hay loại không chứa caffeine).
Nhóm tác giả xếp các tình nguyện viên vào 6 nhóm gồm không uống, thỉnh thoảng uống, uống 1 cốc, từ 2 đến 3, từ 4 đến 5, nhiều hơn 5 cốc/ngày.
Theo thống kê, 27.809 (6,2%) số người tham gia đã chết trong thời gian theo dõi là 12,5 năm.
Tất cả các loại cà phê có liên quan đến việc giảm bệnh tim mạch, nguy cơ thấp nhất được thấy ở những người uống 2-3 tách mỗi ngày.